Đạp xe cực tốt cho tim phổi, xương khớp: Bạn đã biết chưa?

Xe đạp là phương tiện giao thông tiện lợi, thân thiện với môi trường và được nhiều người sử dụng khi đi làm, đi học hoặc đi chơi. Theo kết quả của các nghiên cứu gần đây, đạp xe đạp cũng giống như chạy bộ và bơi lội, đều là bài tập cho sức bền và đem lại nhiều lợi ích sức khỏe cho con người.

Dưới đây là một vài lợi ích của việc đạp xe đối với sức khỏe:

1. Tốt cho não bộ

Đạp xe có thể cải thiện sự nhanh nhẹn của hệ thần kinh và rất tốt cho não bộ. Vì khi đạp xe chúng ta đạp luân phiên bằng cả hai chân, giúp phát triển đồng thời các chức năng của cả bán cầu não trái và não phải.

Đi xe đạp cũng rất tốt cho sự phối hợp giữa thể chất và tinh thần, đạp xe tốt đòi hỏi người điều khiển phải tập trung cao độ. Đạp xe cũng có thể rất hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của các tế bào mới trong não bộ, bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh thoái hóa thần kinh.

Đạp xe rất tốt cho não bộ. bảo vệ cơ thể khỏi các căn bệnh thoái hóa thần kinh. Ảnh minh hoạ

2. Cải thiện chức năng tim, phổi

Đạp xe đạp có thể giúp cải thiện chức năng tim phổi, rèn luyện sức mạnh cơ chi dưới và tăng cường sức bền của cơ thể. Đạp xe có tác dụng rèn luyện sức bền cho các cơ quan trong cơ thể tương tự như bơi lội và chạy bộ.

Đạp xe giúp làm tăng nhịp tim, giúp máu tuần hoàn khắp cơ thể tốt hơn, đốt cháy lượng calo dư thừa để giảm cân và khỏe mạnh. Một nghiên cứu được thực hiện trên 260.000 người trong vòng 5 năm cho thấy việc đạp xe đi làm có thể làm giảm một nửa nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ngoài ra, đạp xe cũng rất tốt cho phổi bởi quá trình đạp xe tại nơi thoáng đãng, có nhiều cây xanh sẽ giúp lá phổi hoạt động khỏe mạnh hơn.

Hoạt động đạp xe diễn ra liên tục và đều đặn cũng giúp nhịp thở của bạn đều đặn, nạp đầy lượng oxy cho lồng ngực.

Việc đạp xe hằng ngày sẽ giúp tăng cường khả năng trao đổi chất cho cơ thể, giúp tăng cường lưu thông máu, nhờ đó lá phổi được bảo vệ khỏe mạnh hơn.

3. Tập luyện cơ bắp

Đạp xe là một phương pháp tập thể dục hiệu quả giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp. Một trong những ưu điểm của đạp xe là tăng cường hoạt động được toàn bộ khối cơ trên cơ thể.

Đạp xe giúp cải thiện chức năng của phần dưới cơ thể, đồng thời tăng cường cơ bắp ở hai chân nhưng lại không khiến chúng bị quá tải. Bài tập đạp xe cũng giúp tăng cường các cơ như cơ mông, cơ đùi và cơ bắp chân.

Đạp xe giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp

4. Thúc đẩy sức khỏe tâm thần

Những người thường xuyên đạp xe có tinh thần khỏe mạnh hơn những người ít vận động. Các bài tập thể dục như đạp xe có tác dụng cải thiện tâm trạng bằng cách giải phóng endorphin - chất giảm đau tự nhiên mà cơ thể cần để chữa lành. Chất này cũng giúp cải thiện tâm trạng và làm cho mọi người cảm thấy thoải mái. 

Hơn nữa, khi đạp xe, chúng ta có thể thưởng thức phong cảnh xung quanh, điều này có tác dụng tích cực đến tâm trạng và giảm căng thẳng.

5. Giảm cân

Đạp xe cũng có thể giảm cân. Tuy nhiên, khi đạp xe, số cân giảm được còn phụ thuộc vào độ dài quãng đường và cường độ đạp xe. Bạn đạp xe càng lâu, cường độ càng cao thì bạn càng đốt cháy được nhiều calo hơn. Tuy nhiên, điều này cũng cần dựa vào thể trạng của mỗi người, không nên đạp xe quá sức để tránh gây hại cho sức khỏe.

6. Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Nhiều người nhận thấy rằng họ ngủ ngon hơn sau khi đạp xe. Sức khỏe thể chất liên quan trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ. Đạp xe hằng ngày có thể giúp tăng cường sức khỏe và giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn. Đạp xe đặc biệt hiệu quả đối với những người mất ngủ thường xuyên và ít vận động.

Đạp xe có thể đóng một vai trò lớn trong việc duy trì, phục hồi và tập luyện chức năng khớp.

7. Cải thiện tình trạng viêm khớp gối

Đạp xe đóng một vai trò lớn trong việc duy trì, phục hồi và tập luyện chức năng cho khớp gối.  Bài tập đạp xe sẽ tạo điều kiện cho các khớp xương hoạt động trơn tru, hỗ trợ điều trị viêm khớp, giúp xương ngày càng chắc khỏe. Đồng thời, đạp xe cũng có thể kích thích sự trao đổi chất tại các mô sụn và thúc đẩy hiệu quả quá trình tái tạo khớp gối.

Tuy nhiên những người bị viêm khớp gối khi đạp xe nên chú ý đến thời gian và tần suất đạp xe đạp. Người bệnh viêm khớp gối không nên tăng cường độ và quãng đường đạp xe quá dài. Thời gian đạp xe hàng ngày của người bị viêm khớp gối không nên quá lâu, khoảng 30 đến 40 phút là thích hợp, bởi đạp xe quá lâu có thể làm tổn thương khớp gối.

Nguồn: Secretchina, Baijiahao