Người đau xương khớp nên ăn gì?
Viêm xương khớp ảnh hưởng đến gần 10 triệu người Pháp, trong đó 65% trên 65 tuổi. Khởi nguồn của đau khớp ở đầu gối, hông hoặc vai, nó gây phức tạp cho một số hoạt động của cuộc sống hàng ngày.
Có một số giải pháp để giảm đau: điều trị giảm đau, thuốc kháng viêm, tiêm corticosteroid… nhưng chế độ ăn uống cũng có thể giúp bạn giảm đau và khó chịu do viêm xương khớp gây ra. Vậy, đau khớp ăn gì? Dưới đây là những loại thực phẩm mà bạn có thể lựa chọn để đưa vào khẩu phần ăn hàng ngày.
1. Dứa
Dứa rất giàu vitamin C, nó là một "ngôi sao chống viêm" vì nó có chứa bromelain. Theo một nghiên cứu, bromelain có hiệu quả như ibuprofen giúp điều trị đau nhức xương khớp. Nghiên cứu cũng cho thấy nó có hiệu quả trong việc giảm viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấp. Nếu bạn muốn có tác dụng của bromelain nhưng không thích dứa, hãy ăn thay thế bằng bữa ăn nhẹ với đu đủ, loại quả cũng rất giàu chất này.
2. Cá hồi
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu cá omega-3 có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp. Axit béo có tác dụng chống viêm, có thể có vai trò tích cực trong việc giảm đau do viêm xương khớp. Các tài liệu cho thấy omega 3 được tìm thấy trong cá béo làm giảm viêm bằng cách ngăn chặn các enzym COX & LOX. Tuy nhiên, vì cơ thể con người không sản xuất omega-3 nên bạn cần đảm bảo chế độ ăn uống của mình có chứa chúng một cách thường xuyên.
Tùy thuộc vào mức độ viêm nhiễm, mọi người nên ăn tối thiểu 2 khẩu phần ăn mỗi tuần và tối đa 5 phần mỗi tuần. Các loại cá giàu omega 3 bao gồm cá hồi, cá thu, cá trích và cá mòi.
3. Nghệ
Những lợi ích sức khỏe của nghệ - loại gia vị màu vàng tạo nên hương vị cho món cà ri - là rất lớn. Curcumin - một hợp chất được tìm thấy trong nghệ, đã được chứng minh là giúp ngăn chặn ung thư, giảm huyết áp và có tác động tích cực đến chứng viêm. Một nghiên cứu của Đại học Arizona đã phát hiện ra rằng chất curcumin có thể giúp bảo vệ chống lại sự suy thoái khớp và viêm do viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu khác đã nghiên cứu mức độ giảm đau của ibuprofen so với curcumin và phát hiện ra rằng lợi ích của cả hai là như nhau.
Năm 2009, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Alternative Medicine Review cho thấy loại gia vị này có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm xương khớp.
Các chuyên gia cho biết, để có được những tác dụng hữu ích của curcumin, hãy thêm nghệ vào chế độ nấu ăn của bạn từ 2 đến 3 lần mỗi tuần.
Lưu ý: Nghệ có thể hoạt động như một chất làm loãng máu, vì vậy hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi thêm nó vào chế độ ăn uống của bạn hoặc bổ sung nghệ thường xuyên.
4. Gừng
Gingerol - một hoạt chất trong gừng đã được chứng minh trong một số nghiên cứu nhỏ là có hiệu quả trong việc giảm đau và viêm khớp. Một nghiên cứu từ Đại học Miami cho thấy liều lượng gingerol đậm đặc làm giảm 40% cơn đau đầu gối do viêm xương khớp. Hãy thử ăn 1 hoặc 2 thìa gừng sống mỗi ngày hoặc ngâm miếng gừng trong nước sôi để pha trà. Chất chống viêm này được công nhận trong y học và một số nhà nghiên cứu cho rằng những lợi ích tương đương với những lợi ích của thuốc chống viêm không steroid.
5. Ớt cay
Ớt cay rất giàu thành phần gọi là capsaicin, được chứng minh là có tác dụng tích cực trong việc kéo dài tuổi thọ, hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, chống viêm và giảm đau. Ớt càng cay càng có nhiều capsaicin. Điều đó có nghĩa là ớt ít cay có thể sẽ không có nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ giảm đau khớp.
6. Tỏi
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỏi không chỉ có thể giảm viêm mà còn giúp kích thích các tế bào miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc đun nóng tỏi có thể làm giảm hiệu quả của nó, vì vậy hãy ghi nhớ điều đó khi bạn đang nấu ăn.
7. Thực phẩm giàu chất xơ
Các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau bina hoặc bông cải xanh nói chung giàu axit béo cần thiết, có tác dụng chống viêm hiệu quả. Ngoài ra, chúng còn giàu chất xơ và chất chống oxy hóa.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp hỗ trợ giảm viêm liên quan đến viêm xương khớp. Do đó, nên dành một phần tốt chúng trong chế độ ăn uống: ngũ cốc nguyên hạt (gạo nguyên hạt, lúa mì nguyên hạt, yến mạch,...), các loại đậu (đậu đỏ, đậu lăng, đậu gà...) và trái cây và rau (táo, cam, quả mọng, bắp cải, cà tím, măng tây…).
Nói chung, một chế độ ăn uống chống oxy hóa và chống viêm rất tốt cho sức khỏe tổng thể và có ảnh hưởng có lợi đến sự phát triển của bệnh viêm xương khớp. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn hãy nhớ kết hợp chế độ ăn uống cân bằng với việc luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, thích ứng linh hoạt với tình trạng đau khớp của bạn.
Ngoài ra, một số loại thực phẩm không tốt cho xương khớp chúng ta cùng tránh:
- Hạn chế ngũ cốc tinh chế như mì ống, gạo và bánh mì trắng.
- Giữ muối ở mức tối thiểu. Muối gây giữ nước, có liên quan đến sưng tấy mô. Ngoài ra, Tổ chức viêm khớp báo cáo rằng hạn chế ăn mặn có thể làm giảm mất canxi, do đó giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương.
- Tránh xa thực phẩm chế biến sẵn bất cứ khi nào có thể.